Suy tư về tình hình Giáo Hội - Trần Mỹ Duyệt
Các nhà chú giải Thánh Kinh đã đếm được 365 lần câu “đừng sợ” (don’t be afraid) trong Kinh Thánh. Nếu một năm 365 ngày chia đều cho 365 lần nhắc nhở “đừng sợ”, thì ít nhất mỗi ngày một lần, Thánh Kinh nhắc bảo con người rằng “đừng sợ!” Vậy, con người sợ cái gì? Và tại sao Thiên Chúa lại phải trấn an con người như vậy? [1]
Thế gian này là một “vũng lệ sầu” như lời trong kinh Lạy Nữ Vương, vì thế cuộc lữ hành đi về vĩnh hằng của con người chính là một hành trình gặp phải rất nhiều sự sợ hãi. Trước hết, con người phải đối diện với những sợ hãi do ma quỷ là loài thần thiêng, nhưng luôn luôn ghen tỵ và tìm mọi cách để làm hại con người. Thứ đến, thế gian là nơi mà chính con người tìm cách để hại lẫn nhau, và sau cùng là xác thịt con người cũng chính là lý do khiến nó phải sợ hãi. Tóm lại, có nhiều thứ luôn luôn rình rập để làm hại con người, khiến con người luôn sợ hãi và đề phòng. Trong thế giới hiện tại, chiến tranh, giết người, tù đày, tra tấn là một hình thức sợ hãi ngay lúc này. Không biết ngày mai nhân loại sẽ ra sao khi nước Nga đe dọa dùng nguyên tử trong trận chiến với Ukraine! Cơn dịch Vũ Hán (covid-19) tuy đã biến thái như một hình thức cảm cúm, nhưng thực chất nó vẫn là một bóng ma kinh hoàng bao trùm thế giới. Những khuyết điểm của con người với mưu mô thâm độc, lòng thù hận, tính ích kỷ tham lam, dục vọng cuồng loạn luôn luôn được ma quỷ xử dụng như những yếu tố để chính con người làm hại, gây ra những mối sợ hãi giữa con người với con người. Và bản thân con người từ những giới hạn thể lý và tâm lý, những ảnh hưởng của môi trường, của xã hội, của bản năng tự nhiên đã trở thành một mối nguy sợ hãi cho chính mình.
Theo tâm lý học, sợ hãi cũng là một trong những triệu chứng có thể dẫn đến tâm bệnh. Người nào mà cái gì cũng sợ, làm gì cũng sợ, sẽ rất dễ dẫn đến tự ty, và tự kỷ. Nói năng, hành động, và suy nghĩ tiêu cực. Nó khiến con người trở nên nghi ngờ chính mình, nghi ngờ những người chung quanh mình, và nghi ngờ cả Đấng Toàn Năng. Trong lãnh vực tâm linh, sợ hãi còn là nỗi ám ảnh khiến con người có thể đánh mất niềm tin, khủng hoảng đời sống nội tâm, bối rối và trong nhiều trường hợp dẫn đến bỏ đạo.
Do đó, vì thấu hiểu được nỗi sợ hãi ấy, nên Thiên Chúa mỗi ngày một lần nhắc nhở chúng ta “đừng sợ”. Để bảo đảm điều này, Chúa Giêsu đã nói: “Đừng sợ, chúng con có giá hơn chim sẻ nhiều” (Lk 12:7). Nơi khác Chúa còn so sánh: “Hai con chim sẻ không đáng giá một xu sao? Vậy mà không con nào rơi xuống đất ngoài tôn ý Cha các con” (Mt 10: 29). Đi xa hơn, Ngài bảo đảm với con người: “Tóc trên đầu các con đã được đếm hết.” (Mt 10:30)
Những khủng hoảng trong Giáo Hội
Cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, người Công Giáo khắp mọi nơi trên thế giới đang trải qua những điều khiến họ lung lay niềm tin, mất tin tưởng vào sự thánh thiêng của Giáo Hội, điển hình là thánh chức linh mục và đời tu hành.
-Tại Việt Nam, vụ ông Hồ Hữu Hòa, một người có lý lịch tội phạm, một nhà phong thủy và bói toán được phong linh mục tại Phi Luật Tân ngày 7-12-2022 một cách đầy nghi ngờ đã trở thành đề tài cho nhiều cuộc tranh cãi trên các cơ sở truyền thông ở Việt Nam cũng như hải ngoại. Trường hợp ông đã trở thành một hiện tượng nổi bật về tính cách mại thánh, buôn thần bán thánh, dùng mưu mô, gian lận để đạt được chức thánh phi quốc gia. Nó liên quan đến hai giáo phận Vinh nơi xuất xứ của ông, giáo phận Maasin ở Philippines nơi ông được truyền chức. Nó cũng liên hệ đến ba giám mục, ngài Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Giáo phận Vinh, đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP, nguyên giám mục Vinh và Hà Tĩnh, và đức cha Cantillas, giám mục Maasin và là người truyền chức cho ông. Ngoài ra, còn có sự liên quan của linh mục Giêrađô Nguyễn Nam Việt, Chưởng ấn Giáo phận Vinh. Sự việc đương nhiên đã khiến Roma phải can thiệp.
Tưởng như vụ ông Hồ Hữu Hòa đang từ từ chìm xuồng, đi vào quên lãng, thì gần đây vào Chúa Nhật 3 Mùa Chay, ngày 12 tháng 3 năm 2023, tại xứ Mẫu Tâm, Gia Kiệm, thuộc giáo phận Xuân Lộc, một linh mục giả mạo danh lại xuất hiện. Lm. Maximilian M. Kolbe Travis (Hong An). Người này còn xuất trình thẻ linh mục được cấp bởi Thánh Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Muôn Dân (Congregation for the Evangelization of Peoples), ký bởi Hồng Y Luis Antonio G. Tagle. Bộ Trưởng.
Những trường hợp như vậy đang khiến nhiều người trong và ngoài Công Giáo nghi ngờ về thánh chức linh mục, con người linh mục, và sự thánh thiêng của Giáo Hội. Hậu quả là dẫn đến việc coi thường, bất tin tưởng vào hàng giáo phẩm, giáo sỹ, và tu sỹ.
Các tín hữu Việt Nam, ngoài ra còn đang phải đối diện với những câu hỏi và sự nghi ngờ về đời sống đức tin qua việc làm của một nhóm người được gọi là Nhóm Trừ Quỷ Bảo Lộc. Hành động của nhóm này là đặt tay cầu nguyện, trừ quỷ, và chữa lành. Nhóm được khởi xướng và điều hành do linh mục Đaminh Nguyễn Chu Truyền, một Linh Mục thuộc Giáo Phận Đà Lạt đã bị giám mục sở tại treo chén, lấy lại năng quyền linh mục qua thông báo ngày 06.12.2020 của TGM Đà Lạt (V/v vạ huyền chức).
Cái sai trái và phản khoa học là nhóm cho rằng do việc đặt tay, một vài người trong họ đã mang thai mặc dù không có những quan hệ vợ chồng với người phối ngẫu. Những bào thai này được gọi là thai thánh. Thêm vào đó là việc trừ quỷ, chữa bệnh một cách như đồng bóng. Nhóm người này còn phổ biến những thông điệp được cho là từ Chúa Cha ban qua một phát ngôn viên của Ngài là bà Thương. Sinh hoạt tôn giáo này được đánh giá mang hình thức mê tín, dị đoan, và phản khoa học. Rất tiếc, nó đang thu hút nhiều người, trong đó có cả một số linh mục và tu sỹ nam nữ. Hy vọng nó không trở thành một tà giáo (sect) trong tương lai?
-Trong tầm nhìn quốc tế, Con Đường Đồng Nghị ở Đức hiện nay đang là một hiện tượng phân hóa gây buồn phiền cho Giáo Hội. Bằng hành động bất tuân phục và phủ nhận những giáo lý căn bản của Giáo Hội, các giám mục Đức qua Thượng Hội Đồng của mình đã chấp nhận thụ phong linh mục cho nữ giới, bãi bỏ luật độc thân linh mục, thừa nhận hôn nhân đồng tính, cho phép giáo dân giảng và giải tội. Các giám mục nước này nại cớ là đời sống độc thân của linh mục đã gây ra những bất ổn về tâm sinh lý và đã dẫn đến những tệ hại của nạn ấu dâm, cũng như những tương quan nam nữ không chính đáng trong giới tu hành. Lý luận này không có tính thuyết phục và rõ ràng mang hình thức ngụy biện. Người ta tự hỏi, hành động ấu dâm của giáo sỹ có liên quan gì đến việc nữ giới làm linh mục? Có liên quan gì đến luật độc thân được coi như một đặc sủng của ơn gọi thánh hiến, với nguồn gốc bắt nguồn từ Thánh Kinh? Ấu dâm cũng liên quan gì đến việc chấp nhận cử hành nghi thức hôn phối cho các đôi đồng tính? Và nó liên quan gì đến việc các giáo dân được phép giảng trong các thánh lễ cũng như được phép ban bí tích hòa giải? Đức Hồng Y Müller cho biết giáo dân và các giám mục ủng hộ các nghị quyết này tại Thượng Hội Đồng Đức “bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ LGBT và tỉnh thức (woke), mang tính duy vật chất và duy hư vô”. [2]
Kết quả, Con Đường Đồng Nghị này, trong phiên họp tại Frankfurt từ 7-11 tháng Ba, và trước đó với số phiếu áp đảo, các thành viên tham dự Công Nghị đã đồng loạt đẩy mạnh việc đòi hỏi Giáo Hội phong chức linh mục cho phụ nữ, chúc lành cho các cặp đồng tính, cho phép giáo dân được giảng trong thánh lễ, và Roma “tái thẩm định” luật độc thân linh mục. [3]
Trong khi lao đao đối với những tư tưởng và hành động táo bạo của Hội Đồng Giám Mục Đức, Giáo Hội còn phải vật lộn với những mưu mô thâm độc của Đảng Cộng Sản Trung Quốc qua việc quốc hữu hóa đời sống tâm linh của mọi người. Những ký kết gần đây giữa Trung Quốc và Vatican về việc bổ nhiệm và thừa nhận các giám mục đã tạo nên những bất đồng, tranh cãi và chia rẽ ngay trong lòng Giáo Hội. Đặc biệt là Trần Nhật Quân, vị Hồng Y hồi hưu của Hương Cảng, Ngài là người đã phản đối gay gắt Vatican trong việc ký kết ngầm này với Trung Quốc. National Catholic Reporter, ngày 13 tháng 1, 2023 cũng đã lên tiếng về bản hiệp ước năm 2018 giữa Vatican và Đảng Cộng Sản Trung Quốc này, khi cho rằng hiệp ước chỉ làm lợi cho Cộng Sản nhằm giúp họ triệt hạ những tín hữu hầm trú đang trung thành với Giáo Hội. [4]
Nhiều người đã mất niềm tin vào Giáo Hội, vào sự thánh thiện, công giáo và tông truyền của Giáo Hội. Giáo Hội đang bị các thế lực trần gian lợi dụng, chia rẽ, phân hóa và tục hóa. Trường hợp các linh mục giả, linh mục mánh mung, gian dối để lĩnh chức, ngay cả việc chọn lựa và phong chức giám mục tại Trung Quốc, tại các quốc gia theo chủ nghĩa Cộng Sản và Việt Nam, sự thánh thiện và tông truyền liệu có còn hữu hiệu hay chỉ là những đổi chác, chọn lựa, có liên quan đến chính trị?
Cái nhìn về tâm lý sợ hãi
Nhìn vào lãnh vực tâm linh của thế giới hôm nay, người bi quan có thể nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói về ngày cánh chung bằng cái nhìn tiêu cực: “Liệu khi con người đến còn thấy đức tin trên mặt đất hay không?” (Lc 18:8). Làm sao mà Chúa lại phải bi quan đến như thế? Liệu những ảnh hưởng xã hội, nếp sống con người có khiến chính Ngài nghi ngờ và bi quan không? Hay đây chỉ là lời mà Ngài muốn dùng để nhắc nhở con người về nguy cơ đánh mất niềm tin.
Ảnh hưởng tiêu cực của sợ hãi như đã trình bày, nó có thể dẫn đến tự ty, bi quan, và tự kỷ. Về phương diện tôn giáo, nó có thể làm cho niềm tin con người bị chao đảo, ngờ vực, và khó lòng thực hiện. Tin Giáo Hội thánh thiện, công giáo và tông truyền chứ không tin các người điều hành Giáo Hội: “Hãy nghe và thực hành những gì chúng dạy, nhưng đừng bắt chước những gì chúng làm, vì chúng nói mà không làm” (Mt 23:3). Đây là mặt trái của Giáo Hội, và người có niềm tin vào Giáo Hội phải chiến đấu để xác định niềm tin của mình.
Mặt khác, sợ hãi cũng là điểm tích cực trong tâm lý trị liệu khi người ta dùng nó như lý do để tìm kiếm sự bất toàn, và thăng tiến sự tự tin vào cuộc sống. Ít nhất những mối hoài nghi, những thắc mắc về những gương xấu kia cũng cho thấy một cái gì thánh thiện tự ban đầu, khi phát xuất do lòng yêu mến Thiên Chúa. Đức khôn ngoan phát xuất từ sự sợ hãi: “Kính sợ Chúa là khởi đầu sự khôn ngoan” (Châm Ngôn 1:7). Đây là điểm tích cực trong tâm linh và trong đời sống tôn giáo.
Khi người Công Giáo tuyên xưng “Tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”, là họ đặt niềm tin vào lời Chúa Giêsu khi nói với Phêrô: “Phêrô con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh Thầy mà cửa hỏa ngục dấy lên cũng không phá nổi” (Mt 16:18). Và mỗi khi người Công Giáo chân chính nghe lời Chúa nhắc mình: “Đừng sợ”, cũng là lúc họ làm sống lại đức tin vào những gì mà Chúa Giêsu đã phán với Phêrô.
____________
Tài liệu:
1. https://www.amazon.com/phrase-written-reminder-fearless-Sticker/dp/B00NPAMRV2
2.Vu Van An18/Mar/2023
https://vietcatholic.net/News/Html/281777.htm
4. National Catholic Reporter
https://www.ncronline.org › vatican › vatican-news
Tuần lễ cực thánh, chấm dứt 40 ngày chay tịnh bắt đầu bằng việc cử hành tưởng niệm Chúa Giêsu vinh quang tiến vào thành Giêrusalem, để rồi sau đó Ngài bị bắt, bị đánh đòn, tra tấn, bị kết tội vác thập giá lên núi Sọ, bị đóng đinh và chết trên thập tự giá!
Trong phụng vụ của Thứ Năm Tuần Thánh, nghi thức gây được nhiều ấn tượng, đó là việc chủ tế khiêm tốn rửa chân cho một số người. Hành động này phản ảnh việc chính Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly đã rửa chân cho 12 môn đệ của Ngài. Ý nghĩa việc làm này của Chúa đã được chính Ngài giải thích: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Gioan 13: 15)
Tuần Thánh (Holy Week), tiếng Latin là Hebdomas Sancta hay Hebdomas Maior. Tuần lễ trọng đại này đối với người Kitô Giáo là tuần trước Phục Sinh. Theo Tây Phương, nó bắt đầu bằng tuần lễ sau cùng của Mùa Chay, bao gồm Chúa Nhật Lễ Lá, Thứ Tư, Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bẩy tuần Thánh.
Thế là Giêsu người thành Nagiarét đã “mồ yên mả đẹp”.
Vâng! Hỡi Giêsu. Xin hãy yên nghỉ và quên đi những vất vả sau ba năm truyền giảng Tin Mừng. Quên đi những roi đòn làm tan nát tấm thân. Quên đi mão gai. Quên đi những tiếng la ó đòi kết án. Quên đi bản án bất công. Quên đi thánh giá nặng trên vai. Quên đi những tiếng búa chát chúa làm xuyên thấu tay chân bằng những chiếc đinh dài và nhọn nhưng rất vô tình. Quên đi cơn hấp hối kinh hoàng tưởng chừng “Cha nỡ bỏ con.” (Mt 27:46) Quên đi đồi Golgotha loang máu. Và Giêsu ơi! Xin hãy ngủ yên.
Có khi nào chúng ta đã tự đặt mình vào số những người vây quanh Chúa Giêsu mỗi khi Ngài rao giảng không? Và thái độ của chúng ta lúc đó như thế nào: Hăm hở nghe lời Ngài, suy tôn và thần tượng Ngài về những lời giảng dạy khôn ngoan; hoặc ngược lại, cảm thấy chói tai, mỉa mai Ngài rồi bỏ đi?